Độc tố có ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta: trong không khí chúng ta thở, trong thực phẩm chúng ta ăn, trong các sản phẩm mà chúng ta sử dụng. Nhiều người có quan điểm tỷ lệ ung thư tăng cao là do chúng ta “ăn uống bẩn”, vậy cụ thể những độc chất đó đã làm gì và khiến cơ thể chúng ta “chết mòn” như thế nào?
Độc tố đi vào và ở lại cơ thể ra sao?
Những độc tố này xâm nhập vào cơ thể chúng ta bằng nhiều con đường: qua hô hấp, hấp thụ qua da, và nhất là qua đường tiêu hóa. Khi những hóa chất độc hại này đi vào cơ thể, chúng sẽ được hệ thống thải độc của cơ thể chuyển hóa và đào thải. Tuy nhiên, không phải chất độc nào cũng dễ dàng được đào thải ra khỏi cơ thể, một số hợp chất có cấu trúc bền vững, khó bị biến đổi, chúng sẽ theo dòng máu đi đến các cơ quan bộ phận khác nhau và có thể tích tụ lại ở các mô- ví dụ như mô mỡ, xương,… Chúng có thể tồn tại trong các mô này hàng tháng, hàng năm, thậm chí là mấy chục năm.
Độc tố làm gì trong cơ thể chúng ta?
Một khi đã xâm nhập vào cơ thể, những hóa chất độc hại này có thể gây tổn hại cho sức khỏe của chúng ta theo nhiều cách khác nhau. Nếu chất độc nhiễm vào cơ thể có độc tính cao, với lượng lớn thì sẽ xuất hiện các triệu chứng ngộ độc cấp tính, phải xử lý ngay tránh nguy hiểm tới tính mạng. Còn nếu lượng độc tố đi vào cơ thể một lượng ít hơn, chưa đủ biểu hiện ra ngoài thì hàng ngày sẽ được tích tụ theo tháng năm, đi tới tận các tế bào và dần phá hủy, khiến cơ thể “chết mòn” theo năm tháng, gây ra các bệnh mãn tính như:
Rối loạn nội tiết: Các hợp chất này có cấu trúc tương tự hormon trong cơ thể nên chúng sẽ “khóa” không cho hormon gắn vào vị trí tác dụng, gây trở ngại cho hoạt động của các hormon dẫn đến rối loạn nội tiết. Hormon sinh dục và hormon tuyến giáp là những hormon hay bị ảnh hưởng nhất. Hậu quả dẫn đến là giảm khả năng sinh sản, dị tật bẩm sinh cho thai nhi, bướu giáp,…
Ung thư: Các độc tố có thể là nguyên nhân gây ra ung thư hoặc làm nặng thêm ung thư. Chúng gây biến đổi cấu trúc nhiễm sắc thể, dẫn đến sự tăng trưởng bất thường của các tế bào, dẫn đến việc hình thành khối u.
Hệ thần kinh: các hóa chất độc hại có thể làm tổn thương não bộ, dẫn đến rối loạn hành vi, ở trẻ em có thể dẫn đến khuyết tật hệ thần kinh do não bộ vẫn đang trong quá trình phát triển.
Hô hấp: Độc tố có thể tác động lên đường hô hấp và gây ra các bệnh như viêm phế quản, xơ phổi, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, khí phế thũng, nguy hiểm hơn nữa là ung thư.
Sinh sản: Có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản (gây vô sinh) và chức năng tình dục.
Trên sự phát triển của trẻ: Trẻ em dễ bị tổn thương hơn người lớn khi tiếp xúc với hóa chất độc hại. Nếu tính trên một đơn vị trọng lượng cơ thể thì lượng đồ ăn, thức uống và lượng không khí mà trẻ em tiêu thụ sẽ lớn hơn người lớn. Nghĩa là trẻ sẽ hấp thụ các độc tố với mức độ cao hơn người lớn.
Trẻ em trong các giai đoạn phát triển quan trọng dễ bị tổn thương hơn khi tiếp xúc với hóa chất độc hại, có thể gây ra tổn thương cho hệ thần kinh và cơ quan sinh sản.
Độc tố rất nguy hiểm, vào thì dễ nhưng ra thì khó. Vậy nên, bạn hãy cẩn thận với những thứ chúng ta tiếp xúc hằng ngày. Nên có chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý, thậm chí bổ sung thêm những hoạt chất chống Oxy hóa như: Theracurmin, Lycopene, Sulforaphane…Để tăng cường sức mạnh hệ thống thải độc, tiêu diệt các tác gốc tự do, ngăn chặn ung thư và các bệnh mãn tính hiệu quả hơn.